Đối với mỗi con người đôi bàn tay chính là nguồn lây bệnh dễ nhất nếu như không được vệ sinh sạch sẽ. Bàn tay là nơi phát tán vi khuẩn nhiều hơn bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Do đó rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và rửa đúng cách theo các bước của bộ y tế, việc rửa tay thường xuyên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh. Thói quen này sẽ giúp chúng ta không bị lây nhiễm mầm bệnh, đặc biệt cần thiết đối với trẻ nhỏ. Vì vậy việc dạy trẻ nề nếp thói quen vệ sinh cá nhân nói chung và kỹ năng rửa tay nói riêng là nhiệm vụ rất cần thiết đối với mỗi giáo viên mầm non.
Chính vì, là một giáo viên mầm non bản thân tôi luôn trú trọng dạy trẻ các kỹ năng, thói quen vệ sinh cá nhân đặc biệt là rèn thói quen rửa tay cho trẻ đúng thời điểm, đúng quy trình vệ sinh cho trẻ có một sức khỏe tốt, được tự do khám phá, tự do phát triển.
Khi thực hiện rèn thói quen rửa tay cho trẻ bản thân tôi đã thực hiện như sau:
* Giúp trẻ hiểu rõ sự cần thiết của giữu gìn sạch sẽ đôi bàn tay.
* Dạy trẻ luôn ghi nhớ việc rửa tay khi cần thiết như:
+ Sau khi đi vệ sinh: Nhà vệ sinh là nơi mà vi khuẩn trú ẩn nhiều nhất, vì vậy hãy hướng dẫn con rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh xong.
+ Sau khi cầm những đồ vật bẩn: Những đồ vật có nhiều bụi bẩn, không sạch sẽ là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy nếu sau khi bé cầm nắm vào những vật này, bố mẹ hãy hướng dẫn bé rửa tay sạch. Một số đồ vật bẩn mà bé thường tiếp xúc như rác, đất,…
+ Sau khi hắt xì hoặc ho: Sau khi ho hoặc hắt xì sẽ phát ra một số hạt nhỏ li ti có chứa vi khuẩn gây bệnh. Rửa tay sạch sau khi hắt xì và ho sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn, mầm bệnh này, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
+ Sau khi tiếp xúc với các vật nuôi, động vật: Các vật nuôi thường rất có thể mang những vi khuẩn, virus ngay trên da, lông, miệng, mũi của chúng. Ngoài ra những vi khuẩn này có thể không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy sau khi trẻ tiếp xúc với các động vật này cần phải rửa tay ngay.
+ Sau khi chơi xong: Trong lúc chơi đùa, bé sẽ vô tình chạm vào những đồ vật có nhiều bụi bẩn, vi khuẩn. Vì vậy sau khi chơi xong bé cũng nên rửa tay sạch lại với nước và xà bông.
* Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng quy trìn được WHO khuyến cáo để phòng ngừa bệnh
+ Bước 1: Làm ướt tay và chà sát vào cục xà bông hoặc lấy một chút nước rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay.
+ Bước 2: Chà rửa hai lòng bàn tay với nhau như bình thường rồi đan các ngón tay với nhau để làm sạch các kẽ ngón tay.
+ Bước 3: Xoa lòng bàn tay phải lên mu bàn tay trái với các ngón tay đan nhau để các kẽ tay được làm sạch và ngược lại.
+ Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch khe các ngón tay bằng cách xoay cổ tay nửa vòng.
+ Bước 5: Nắm chặt ngón tay cái bàn tay phải và chà rửa ngón tay theo chuyển động tròn rồi đổi tay.
+ Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Chú ý: Mỗi bước, mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần.
Bên cạnh đó, để giúp khắc sâu về kĩ năng rửa tay đối với trẻ tôi thường xuyên tích hợp, lồng luồn nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân rửa tay vào các hoạt động. Cô sẽ luôn là tấm gương cho trẻ noi theo. Khi trẻ thực hiện, Cô sẽ luôn quan sát, kiểm tra và nhắc nhở trẻ thực hiện. Tuyên dương động viên trẻ kịp thời. Tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh cùng phối hợp trong việc rèn trẻ các kỹ năng, thói quen vệ sinh cá nhân đặc biệt là rèn thói quen rửa tay cho trẻ.
Nhờ có sự đồng lòng nhất trí từ phía nhà trường và gia đình đã mang lại kết quả rất khả quan: 100% trẻ trong lớp đều rất hào hứng, có ý thức, thực hiện được tốt kĩ năng rửa tay sạch sẽ. Tất cả chúng ta hãy chung tay rèn luyện và giáo dục trẻ, vì một xã hội giàu, mạnh trong tương lai.