Phát triển vận động cho trẻ mầm non là một nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực phát triển thể chất. Theo các nghiên cứu khoa học thì vận động là một trong số những điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Vận động là nhu cầu tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là đối với cơ thể đang phát triển của trẻ mầm non. Trẻ càng thực hiện đa dạng các vận động bao nhiêu thì lượng thông tin được chuyển về não bộ càng nhiều bấy nhiêu và chính điều đó đã thúc đẩy trí tuệ một cách mạnh mẽ. Dưới tác động của các hoạt động giáo dục, với chế độ vận động của trẻ được tổ chức một cách đúng đắn sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành các phẩm chất nhân cách quan trọng như tính tích cực, tự lực, lòng dũng cảm, tính cẩn thận, trung thực…. Đặc biệt, phát triển vận động góp phần tăng cường bảo vệ sức khỏe cho trẻ, hình thành và rèn luyện các kỹ năng vận động, đồng thời phát triển các tố chất vận động nhằm giúp cho cơ thể trẻ phát triển hài hòa cân đối, làm cơ sở cho sự phát triển toàn diện.
Để việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ có hiệu quả cao thì việc lựa chọn hình thức tổ chức phong phú, đa dạng là nhu cầu hết sức quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi đã tìm hiểu, lựa chọn và áp dụng một số hình thức tổ chức phát triển vận động phù hợp với thực tế trên trẻ. Cụ thể như sau:
* Sử dụng đồ dùng trực quan gây hứng thú cho trẻ
Trẻ mầm non có tư duy và nhận thức theo lối trực quan cảm tính, vì vậy mọi hoạt động giảng dạy đối với lứa tuổi này đều cần phải sử dụng những hình mẫu trực tiếp và hấp dẫn. Giáo viên cần hình thành cho trẻ những thói quen vận động dựa trên cơ sở cảm giác một cách trực tiếp với động tác. Có hai hình thức giảng dạy trực quan là làm mẫu trực tiếp cho trẻ quan sát (trực quan trực tiếp) và dùng lời nói để mô tả động tác kèm với phim, ảnh, mô hình cho trẻ hình dung ra cách tập (trực quan gián tiếp). Khi tổ chức vận động cho trẻ mầm non cô cần phải phối hợp vận dụng cả hai loại trực quan trên, nhất là ở giai đoạn đầu khi mới học động tác vì ở giai đoạn này, nguyên tắc trực quan là tiền đề để trẻ tập và làm quen với động tác mới.
Ví dụ: ở tiết thể dục: Bò trong đường hẹp .
- Ở chủ đề nhánh: Tết và mùa xuân tôi trang trí lớp theo chủ đề mùa xuân và lồng ghép hội xuân bằng những trang phục là những bộ quần áo hay vườn hoa, củ, quả, lồng ghép vào hoạt động dạy để trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động học.
*Lồng ghép các hình thức khác nhau để gây hứng thú cho trẻ.
Theo chương trình giáo dục trẻ mầm non cấu trúc một hoạt động phát triển vận động bao gồm 3 phần:
- Phần khởi động, trọng động và hồi tĩnh. Thường thì các giáo viên tổ chức phần khởi động cho trẻ hát bài: “ Đoàn tàu nhỏ xíu” đi các kiểu chân sau đó về hàng tập bài tập phát triển chung là các động tác tay - bụng - chân - bật với nhịp hô của cô,… nếu tiết thể dục nào tôi cũng cho trẻ tập như vậy thì trẻ sẽ chán, uể oải trong giờ học, không phát huy tính tích cực vận động ở trẻ. Vì vậy tôi đã cho trẻ khởi động theo hình thức:
Ví dụ 1: Cụ thể với vận động cơ bản: Bò trong đường hẹp. Cô trò chuyện, giới thiệu với trẻ về buổi vui chơi trong rừng: Cô cho trẻ mặc các trang phục các chú thỏ và hỏi trẻ: Các con ơi! mùa xuân đến rồi, trong rừng hoa đua nhau nở, các con vật thì vui mừng tổ chức một buổi liên hoan thật là vui, các chú thỏ con có muốn vào rừng chơi không? Vậy cô các chú thỏ cùng đi vào rừng chơi nào. Hay vận động: Đi trong đường hẹp có mang vật trên lưng: Tôi lồng ghép cho trẻ là mùa xuân là mùa gieo những hạt giống đấy! Cô mời các con cùng đi gieo những hạt giống cùng cô nào! Cô bật nhạc bài: Gieo hạt cho trẻ hát và vận động theo lời bài hát.
Ví dụ 2: Với sự kiện: Chào mừng ngày thành lập quân đội nhân dân 22/12. Với phần khởi động tôi dẫn dắt: Hôm nay là hội thi: Tìm kiếm tài năng, Chương trình chúng tôi là chiến sỹ, …hoặc kể câu chuyện phù hợp với chủ đề để kích thích trẻ vượt qua những thử thách, hay cô đặt ra các tình huống sau đó cho trẻ đi khởi động kết hợp các kiểu chân.. Sau đó cho trẻ về đội hình để tập bài tập phát triển chung.
Bài tập phát triển chung tôi lựa chọn bài tập có động tác phù hợp với bài tập vận động cơ
bản đầy đủ các động tác tay - bụng - chân - bật có nhịp đầy đủ, có động tác nhấn mạnh cho vận động cơ bản. Tôi còn kết hợp cho trẻ tập với các dụng cụ như: gậy, cờ, nơ, bóng, quả cầu bông…để tăng thêm hứng thú và lợi ích của động tác.
- Hình thức tập theo nhóm:
Làm việc nhóm là một trong những cách tốt nhất để trẻ trải nghiệm những thử thách vận động thô khi trẻ có động lực tham gia vào hoạt động. Đồng thời giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp và có thể tạo ra các yếu tố cạnh tranh khi cần nhằm khuyến khích trẻ tham gia sôi nổi hơn.
Khi áp dụng hình thức này, trong thời gian cho trẻ thực hiện tôi chia lớp thành 2 hoặc nhóm, mỗi nhóm tập bài tập ở các vị trí khác nhau và có giáo viên hoặc trẻ có năng lực tổ chức phụ trách. Tôi đưa hình thức tập theo nhóm này vào buổi tập giúp cho trẻ phát triển khả năng tự lực tăng lượng vận động và rèn luyện kỹ năng vận động cho trẻ.
- Hình thức tập cá nhân: Khi tiến hành hình thức này, trẻ tập lần lượt một bài tập, giáo viên hướng dẫn, kiểm tra chất lượng bài tập các trẻ còn lại quan sát và nhận xét ưu, nhược điểm của trẻ khi thực hiện bài tập.
- Đến phần hồi tĩnh tôi cho trẻ vận động nhẹ nhàng như: Đi nhẹ nhàng kết hợp với làm những chú chim bay nhẹ nhàng hay nhạc du dương, nhẹ nhàng tạo cho trẻ thấy thoải mái và vui vẻ hoàn thành bài tập.
Khi đưa biện pháp này vào dạy trẻ trong tiết học giáo dục thể chất tôi thấy trẻ lớp tôi học tốt hơn, hứng thú hơn và kiến thức, kỹ năng của trẻ được nâng lên rõ rệt.